Sau thời gian im ắng vì bão hòa nhân sự ở lĩnh vực tài chính, ngành ngân hàng đã rầm rộ tuyển nhân sự lại, trong năm 2015. Tuy nhiên, để ứng tuyển vào các vị trí trong ngân hàng, ngoài bằng cấp, các bạn sinh viên cần phải trang bị nhiều kỹ năng khác.
Tuyển dụng rầm rộ
Ông Lê Phi Hùng, Giám đốc khối Nguồn nhân lực, Eximbank cho biết, sau thời gian bão hòa do khủng hoảng kinh tế, các ngân hàng đã bắt đầu tuyển dụng nhân sự trở lại. Eximbank đã thông báo tuyển dụng 1.000 nhân sự, ở các lĩnh vực: Tín dụng, Dịch vụ khách hàng, Thanh toán quốc tế… TPBank thông báo tuyển dụng hàng trăm nhân sự, từ vị trí Giao dịch viên tới Giám đốc, cho các chi nhánh mới, tại: Hà Nội, Quảng Ninh, TP. HCM để phục vụ kế hoạch mở rộng và phát triển kinh doanh.
Tương tự, HDBank thông báo tuyển 550 quản trị viên tập sự, là sinh viên năm cuối các ngành kinh tế, để bổ sung nhân sự cho hàng trăm điểm giao dịch tập trung ở các thành phố lớn như: TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… Còn PVcombank đã hợp tác với 5 trường đại học để tìm kiếm nguồn nhân lực, như: Học viện Chính sách và Phát triển, ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, ĐH Đại Nam. Ngân hàng tuyển nhân sự nhiều nhất trong năm 2015 là Sacombank, với 2.000 người. Hai vị trí mà các ngân hàng tuyển dụng nhiều nhất là Chuyên viên Chăm sóc khách hàng và Giao dịch viên.
Sinh viên tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại Ngày hội việc làm trường ĐH Ngân hàng TP. HCM lần 8, năm 2015.
PGS. TS Lý Hoàng Ánh, Hiệu trưởng trường ĐH Ngân hàng TP. HCM, cho biết, nhu cầu nhân sự của ngành ngân hàng đang tăng trở lại. Tại Ngày hội việc làm trường ĐH Ngân hàng TP. HCM lần 8, năm 2015, đã có hơn 30 ngân hàng đăng ký tham gia tuyển dụng. Các ngân hàng đã thu được 6.432 hồ sơ của các sinh viên. Đồng thời, các ngân hàng đã tuyển được 350 sinh viên ngay trong ngày hội. “Điều này cho thấy, các ngân hàng đã bắt đầu tăng tốc tuyển dụng nhân sự trong năm 2015. Do đó, cơ hội việc làm cho sinh viên ngành ngân hàng đang rất sáng sủa”, ông Ánh nhận định.
Cần năng lực hơn bằng cấp
Vấn đề lớn nhất hiện tại giữa đào tạo và tuyển dụng nhân sự ở ngành ngân hàng là việc chưa tìm được tiếng nói chung. Trong khi sinh viên ra trường không tìm được việc làm thì các ngân hàng lại không tuyển được người. Nguyên nhân chính là do sinh viên ra trường thường thiếu hiểu biết thực tế về hoạt động kinh doanh ngân hàng, kiến thức về sản phẩm dịch vụ, ngân hàng sẽ ứng tuyển, vị trí công việc, trình độ tiếng Anh. Thêm vào đó, sinh viên mới ra trường thường thiếu tính chủ động, cầu thị và thiếu thể hiện chất “lửa” với người phỏng vấn.
Ông Lê Phi Hùng cho biết: “Hiện tại, các ngân hàng phải tự tìm đến khách hàng, chăm sóc khách hàng chứ không phải như ngày xưa là ngồi ở văn phòng chờ khách hàng đến. Do đó, bằng cấp chỉ là thứ yếu. Các bạn cần phải học thêm rất nhiều về kỹ năng giao tiếp, bán hàng, chăm sóc khách hàng, xử lý tình huống, kiềm chế cảm xúc… Lúc đó, các bạn mới có thể lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển dụng”.
Để có được những kỹ năng trên, sinh viên phải đi làm thêm. “Trong quá trình đi làm thêm, các bạn sẽ học được kỹ năng giao tiếp, cách giải quyết vấn đề. Khi phỏng vấn ứng viên, tôi thường đánh giá cao những sinh viên đã đi làm thêm lúc còn đi học”, ông Hùng bày tỏ.■
Nguồn: svvn.vn